Du lịch

Sổ tay du lịch núi Bà Đen từ A tới Z cho du khách

29/05/2023
Cùng khám phá trọn bộ thông tin về địa chỉ, lịch sử, những địa điểm tham quan thú vị, thời gian lý tưởng để du lịch núi Bà Đen qua bài viết sau đây.
SUN GROUP

Quần thể núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia từ năm 1989. Chính vì vậy, hãy ít nhất một lần lên núi Bà Đen, để được khám phá rất nhiều điểm đến thú vị tại “nóc nhà Nam Bộ”. 

nui-ba-den-1.jpg

Núi Bà Đen

1. Tổng quan thông tin núi Bà Đen

Cùng tìm hiểu trọn bộ thông tin về núi Bà Đen địa chỉ, những điểm tham quan ngay trong phần tiếp theo. 

1.1. Địa chỉ khu du lịch núi Bà Đen

Địa chỉ núi Bà Đen nằm ở địa phận xã Thạnh Tân, Tp. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Núi Bà Đen cách trung tâm TP. Tây Ninh ~11km, về phía Đông Bắc. Núi Bà có độ cao lên đến 986m. Nên thường được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ” hay “Đệ nhất thiên sơn". Đồng thời, đây cũng là ngọn núi nằm ở trung tâm tỉnh Tây Ninh.

1.2. Nguồn gốc tên gọi núi Bà Đen

Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc núi Bà Đen là Bà Dinh. Còn nhiều bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng núi Một mới là tên gốc. Cho đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên núi Bà Đênh. Sau này dần gọi trại thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi nơi đây là núi Điện Bà.

Khu vực này thực chất là 1 cụm gồm 3 núi nằm liền kề nhau, tổng diện tích 24km², gồm:

  • Núi Bà Đen (được gọi tắt là Núi Bà)
  • Núi Heo
  • Núi Phụng 

1.3. Top những điểm tham quan tại công trình núi Bà Đen

1.3.1. Ga cáp treo Bà Đen

Ga Bà Đen được thiết kế lấy cảm hứng từ hình tượng 3 ngọn núi ở khu vực này. Ga Bà Đen đã vinh dự được công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”.

Trong đó:

  • Ga Chùa Hang được thiết kế lấy cảm hứng từ Chùa Bà Đen, Chùa Hang với kiểu mái đao độc đáo.
  • Ga Vân Sơn được thiết kế lấy cảm hứng từ Tòa Thánh đạo Cao Đài. Ga Vân Sơn được làm từ các loại vật liệu chính gồm đá sandstone; kính màu. Nhờ đó, không gian ga giống như một bức tranh lập thể đa sắc.

1.3.2. Vãng cảnh chùa Bà - Linh Sơn Tiên Thạch Tự

Chùa Bà được xây dựng từ thế kỷ 18, nằm trên độ cao 350m giữa lưng chừng núi Bà. Đây là nơi thờ Bà Đen luôn “bảo hộ” che chở cho người dân trong khu vực. Ngôi chùa này còn 2 cột đá xanh cao 5,4m được tạc từ thời Tổ Tâm Hòa (1919).

1.3.3. Tượng Phật Bà đúc bằng đồng cao nhất châu Á

Bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn được rất nhiều du khách tham quan, check in thời gian gần đây. Bởi:

  • Chiều cao 72m vô cùng ấn tượng. 
  • Được đúc bằng 170 tấn đồng đỏ.
  • Trong khối đế chân tượng có nhiều phòng trưng bày và triển lãm nghệ thuật Phật giáo

1.3.4. Ban công “săn” mây và check in cột mốc 986m

Ban công “săn” mây có cột mốc 986m luôn là điểm check-in cực hot. Công trình này được thiết kế giống một chiếc mâm hình tròn với điểm nhấn là một cột mốc in số 986m ở chính giữa. Nơi đây là địa điểm “săn” mây, ngắm cảnh, đón bình minh, ngắm hoàng hôn đẹp nên thơ.

nui-ba-den-2.jpg

Ban công “săn” mây và check in cột mốc 986m

2. Thời điểm lý tưởng để du lịch núi Bà Đen là khi nào?

Núi Bà được ví như “Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ” nên bạn có thể du lịch suốt 4 mùa trong năm. Tuy vậy, mùa khô Tây Ninh được đánh giá là mùa đẹp nhất, cũng như thuận tiện nhất cho những chuyến du hí. Vì vậy, tháng 11 đến tháng 5 là khoảng thời gian lý tưởng để đến núi Bà. Thời điểm này trời nắng nhẹ, ít đổ mưa, phù hợp để ngắm cảnh, leo núi. 

Đặc biệt, từ rằm tháng giêng đến tháng 3 âm lịch là thời điểm cảnh sắc thiên nhiên núi Bà chuyển mình vào xuân rực rỡ. Và có rất nhiều lễ hội xuân độc đáo được tổ chức. Tiêu biểu như Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - đây là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia, được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6/5 Âm lịch.

nui-ba-den-3.jpg

Nên du lịch núi Bà vào mùa xuân

3. Cách đến núi Bà Đen như thế nào?

Tham khảo các cách để đi từ TP. Hồ Chí Minh tới núi Bà Đen và từ chân núi lên đỉnh núi ngay sau đây. 

3.1. Đường đi lên núi Bà Đen từ TP. Hồ Chí Minh

  • Di chuyển bằng phương tiện tự túc: Từ quốc lộ 22A đi đến ngã ba Trảng Bàng, rẽ phải vào tỉnh lộ 782. Đi thêm ~62km để tới chân núi Bà Đen. Hoặc khi đến ngã ba Trảng Bàng, rẽ trái đi vào đường TT Gò Dầu. Đi lên quốc lộ 22B ~72km để đến núi Bà Đen. 
  • Di chuyển bằng xe khách, xe bus: Đi xe bus từ Bến Thành đến Gò Dầu. Sau đó, bắt xe từ Gò Dầu lên Long Hòa, Tây Ninh. Tiếp tục bắt xe từ bến xe Tây Ninh để đến thẳng đến cổng sau của núi Bà Đen. 

3.2. Đường đi lên đỉnh núi Bà Đen

  • Đi cáp treo núi Bà Đen: giờ mở cửa cáp treo núi Bà Đen là từ 5h30 – 21h30. Ban quản lý ngừng bán vé lúc 20h30 hằng ngày. 
  • Leo núi với 5 cung đường theo cấp độ khó tăng dần. Bao gồm đường chùa (có bậc thang, chỉ dẫn rõ ràng); đường cột điện (có các bậc thang, có ký hiệu đánh dấu); đường ống nước (cần người chỉ đường, phải chui qua đường ống nước tương đối nguy hiểm; đường Ma Thiên Lãnh (không có đường mòn, không có bậc đá); đường núi Phụng (tốn 2 ngày leo qua đỉnh núi Phụng rồi lên đỉnh Bà Đen).

nui-ba-den-4.jpg

Đi cáp treo lên núi Bà 

4. Ăn gì khi đến khu du lịch núi Bà Đen?

Một số địa chỉ ăn ngon gần núi Bà bao gồm:

  • Bánh canh Trảng Bàng Năm Dung. Địa chỉ số 90 Nguyễn Văn Rốp, Trảng Bàng.
  • Quán ăn Đồng Quê. Địa chỉ: Hẻm 15, đường 30 tháng 4, TP. Tây Ninh.
  • Bàu Sen là quán chuyên các món đồng quê dân dã. Địa chỉ: Số 16, hẻm 37, Nguyễn Văn Linh, Trường Tây, huyện Hòa Thành.
  • Gà nướng Ò ó O. Địa chỉ: số 45 Hùng Vương, KP2, huyện Hòa Thành.
  • Quán 3 Trí nổi tiếng với các món về bê và bò. Địa chỉ: đường Trần Phú, TP. Tây Ninh. 

nui-ba-den-5.jpg

Ngắm tượng Bà khi đến núi Bà Đen

Trên đây là trọn bộ thông tin về núi Bà Đen. Nắm được sổ tay về núi Bà sẽ giúp bạn lên lịch trình và khám phá nóc nhà Nam Bộ thú vị hơn. 

    Panoee