Chiều ngày 8/5/2025, đoàn đại biểu Vesak 2025 xuất phát từ Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.HCM) về núi Bà Đen, Tây Ninh để thực hiện nghi thức cung rước xá lợi Đức Phật và tham dự loạt nghi thức trang trọng, thiêng liêng trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025. Đoàn gồm hơn 1.200 đại biểu quốc tế đến từ hơn 80 quốc gia như Ấn Độ, Bhutan, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nepal, Nhật, Sri Lanka, Anh, Mỹ, Thái Lan…, cùng hơn 800 đại biểu trong nước thuộc GHPGVN, GHPGVN tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo các ngành, địa phương.
1. Lễ cung rước xá lợi Đức Phật
Đại lễ Vesak 2025 trên đỉnh núi Bà Đen – sự kiện tâm linh, văn hóa và ngoại giao tầm vóc quốc tế.
Nghi lễ cung rước xá lợi Đức Phật và các nghi thức trọng đại trong Đại lễ Vesak 2025 tại núi Bà Đen có sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng chứng minh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Bhante Seewalee, Trụ Trì kiêm Tổng Thư ký, Hội Maha Bodhi - Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ, cùng các chư vị Tăng thống, Tăng vương, Chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội Tăng-già, tổ chức Phật giáo; Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (ICDV), các tổ chức Phật giáo thế giới; các hệ phái, truyền thống Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ; chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Đông đảo đại biểu quốc tế tham dự nghi thức cung rước xá lợi, khởi đầu chuỗi nghi lễ thiêng liêng tại núi Bà Đen.
Ngay từ đầu giờ chiều, xá lợi Đức Phật được cung rước long trọng đến núi Bà Đen bởi Chư Tôn Đức Giáo phẩm cấp cao của Giáo hội Ấn Độ, GHPGVN, các phái đoàn Phật giáo quốc tế, cùng đại diện chính quyền tỉnh Tây Ninh và Lãnh đạo Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Xá lợi Đức Phật là quốc bảo của Ấn Độ, và được Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ chấp thuận thỉnh đến Việt Nam với các nguyên tắc an ninh, lễ nghi quan trọng thông qua con đường ngoại giao cấp Chính phủ. Tại đỉnh núi cao nhất Nam bộ, xá lợi Phật được tôn trí tại Trung tâm triển lãm Phật giáo từ ngày 8-13/5/2025 để Phật tử và công chúng chiêm bái, đảnh lễ bảo vật Phật giáo thế giới và đón nhận hồng ân của Đức Phật.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Thanh, quyền Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh cho biết: “Tây Ninh là vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời, trong đó núi Bà Đen là điểm đến tâm linh hàng đầu tại Nam bộ Việt Nam, và là trung tâm Phật giáo quan trọng đối với đời sống tín ngưỡng của nhân dân nơi đây.
Việc tôn trí xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ - một bảo vật của toàn nhân loại trong Đại Lễ Vesak 2025 không chỉ tạo cơ hội cho người dân tỉnh Tây Ninh được đón nhận phước lành từ cái nôi của Phật giáo thế giới, mà với tỉnh Tây Ninh, đây là một sự kiện ngoại giao văn hóa trọng thị có ý nghĩa rất lớn, góp phần lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết giữa các quốc gia”.
Hoà thượng Maha Veth Masaenai, Phó chủ tịch thường trực Liên minh Phật giáo Lào chia sẻ niềm hoan hỉ khi được chiêm ngưỡng xá lợi Phật tại núi Bà Đen: “Đối với phái đoàn của chư tôn nước Lào, đây là niềm vinh dự lớn lao. Bởi sự kiện cung nghinh xá lợi Đức Thế Tôn là một sự ý nghĩa rất lớn trong lòng những người con Phật tử, được chiêm ngưỡng chính một phần thân thể của ngài, được mang lại phần phước rất lớn cho cuộc đời mình. Vì Đức Thế Tôn đã hiện hữu cách đây hơn 2000 năm, mà đến bây giờ xá lợi của ngài vẫn còn được cung nghinh về Việt Nam và cho nhân dân Việt Nam được chiêm bái, mang lại phước lành để phát triển chính trị, kinh tế bền vững.”
Thay mặt cho Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, bà Nguyễn Lâm Nhi Thuỳ, Phó TGĐ Sun Group Vùng Miền Nam cho biết: “Việc cung rước Xá lợi từ Ấn Độ - cái nôi của Phật giáo - về núi Bà Đen không chỉ là một sự kiện tôn giáo trọng đại mà còn là một phước duyên lớn lao đối với Phật tử, nhân dân Tây Ninh nói chung và khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen nói riêng”.
Mây ngũ sắc bất ngờ xuất hiện khi xá lợi được an vị – khoảnh khắc kỳ diệu tại lễ Vesak 2025.
Khi xá lợi được an vị tại khu vực chiêm bái, mây ngũ sắc đôi bất ngờ xuất hiện trên bầu trời. Đông đảo tăng ni, phật tử và người dân đang có mặt dưới chân tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn không phải ngỡ ngàng trước hiện tượng kỳ thú này.
2. Nghi lễ trồng 108 cây bồ đề
Sau nghi lễ tôn trí xá lợi Đức Phật, lễ trồng 108 cây bồ đề được cử hành tại Thế giới Bồ Đề Viên trên đỉnh núi Bà Đen bởi các Cao tăng và các lãnh đạo của các phái đoàn Phật giáo từ 80 quốc gia trên thế giới. Đây là vườn bồ đề đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam, với mỗi cây được đánh số gắn liền với tên một quốc gia tham dự đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.
Các đại biểu từ hơn 80 quốc gia cùng tham gia trồng 108 cây bồ đề tại Thế giới Bồ đề Viên trên đỉnh núi Bà Đen.
Trong văn hóa Phật giáo, cây bồ đề chính là loài cây Pippala linh thiêng của người Ấn Độ. Dưới bóng cây ấy, vào đêm trăng tròn tháng Vesakha tại khu rừng Uruvela bên bờ sông Ni-liên-thuyền, Đức Phật đã thành đạo. Trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, cây Bồ đề vẫn vững chãi tồn tại và phát triển ngay phía sau tháp Đại Giác cao 51 mét tại Bồ Đề Đạo Tràng được dựng từ thế kỷ I CN.
Tại Thế giới Bồ đề viên, 108 cây Bồ đề được thỉnh từ Bồ Đề Đạo Tràng được trang trọng trồng xuống, là sứ giả của hòa bình, trí tuệ và tỉnh thức, kết nối các quốc gia; là dấu ấn linh thiêng của Đại lễ Vesak, và là di sản quý báu gửi gắm cho các thế hệ mai sau.
Hoà Thượng Thích Minh Thiện - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An tham dự lễ trồng cây chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, thế giới chúng ta đang xảy ra xung đột và con người còn nhiều khổ đau. 108 cây bồ đề được những vị cao tăng, những vị lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới vun trồng với lòng hiếu kính. Do đó, 108 cây như đại diện cho ước nguyện mọi người phải cùng thương yêu lấy nhau, hãy bảo vệ lấy nhau và hãy xây dựng hạnh phúc bằng từ bi và trí tuệ.”
3. Lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình
Sau nghi lễ trồng cây bồ đề, hơn 2.000 đại biểu Vesak cùng tham dự nghi lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn, nơi các Cao tăng và các chư tôn giáo phẩm từ khắp toàn cầu cùng thắp lên những ngọn nến biểu trưng cho ánh sáng trí tuệ, từ bi và cầu nguyện về một thế giới hoà bình, an lạc.
Hơn 2.000 đại biểu Vesak thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới trong không gian linh thiêng tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn.
Giữa không gian linh thiêng của ngọn núi thiêng, kết hợp với ánh sáng huyền diệu của hàng ngàn ngọn nến là lời kinh cầu nguyện trầm ấm, tạo nên một năng lượng cộng hưởng mạnh mẽ, lan tỏa thông điệp hòa bình, đoàn kết và yêu thương. Đây không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là một sự kiện văn hóa mang đậm tính nhân văn, thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam và Phật tử trên toàn thế giới.
Phát biểu tại lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình, Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) xúc động: “Chúng ta đang đứng trên đỉnh núi Bà Đen- nơi trong kinh điển Phật giáo Pali gọi là thiên đàng. Thiên đàng không phải là nơi phải chờ tới khi nhắm mắt ta mới tới, mà là cảnh giới ta có thể đạt được ngay trong cuộc sống này, đó là cảnh giới của an lạc.
Những ngọn nến tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ và tình thương được thắp sáng giữa đêm núi Bà Đen.
Và hôm nay, trên đỉnh núi Bà Đen, chúng ta đang được tận hưởng cảnh giới an lạc đó. Tại Núi Bà Đen, chúng ta có tôn tượng của Đức Quan Âm (Phật bà Tây Bổ Đà Sơn), của Bồ tát Di Lặc và nhiều điểm đến khác khiến ta được trải nghiệm cảnh giới an lạc giữa cõi ta bà.”
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng chứng minh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam đã tổ chức 3 kỳ Vesak và năm nay tại TPHCM. Song đất nước chúng ta những nơi có cảnh đẹp, đặc biệt là núi Bà Đen, Tây Ninh - ngọn núi cao nhất phía Nam để tổ chức sự kiện này. Trên một đồng bằng lớn như thế này, lại có một ngọn núi, thời tiết ở dưới thì nắng nhưng ở đây rất mát. Tập đoàn Sun Group đã kiến tạo quần thể tâm linh rất là đẹp, các tôn tượng được mây bao phủ hoàn toàn, lúc thì lại quang rõ, tạo nên hình ảnh rất đẹp cho điểm đến tâm linh phía Nam".
Cùng với lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình, chuỗi sự kiện tâm linh đặc biệt trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam tại núi Bà Đen được xem là một nghi thức ngoại giao văn hóa trọng thị. Sự kiện đưa núi Bà Đen thành điểm đến hành hương của thế giới, và góp phần lan toả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Xá lợi Đức Phật – quốc bảo linh thiêng từ Ấn Độ – được cung nghinh về núi Bà Đen trong không khí trang nghiêm của Vesak 2025.
Bà Nguyễn Lâm Nhi Thuỳ, Phó TGĐ Sun Group Vùng Miền Nam cho biết: “Sự hiện diện cao quý của chư vị tại các sự kiện trọng đại của Đại lễ Vesak 2025 trên núi Bà Đen là niềm vinh hạnh lớn lao đối với khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Đại lễ không chỉ là ngày hội thiêng liêng của người con Phật trên toàn thế giới, mà còn là dịp để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất Tây Ninh – nơi có ngọn núi Bà Đen linh thiêng, một điểm hành hương tâm linh tiêu biểu của người Việt”.
Được tổ chức từ ngày 6 đến 8/5/2025, Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025 là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu. Với một chuỗi các sự kiện văn hoá tâm linh ý nghĩa, Lễ Phật đản lớn nhất thế giới được tổ chức tại Việt Nam đã trở thành một sự kiện đặc biệt giúp lan tỏa vẻ đẹp và lòng yêu chuộng hoà bình của người Việt Nam đến toàn thế giới.