Giải mã cao điểm linh thiêng Fansipan
Trong nhiều nền văn hóa, những ngọn núi cao luôn mang sắc màu huyền bí, thiêng liêng và cũng không ít những giai thoại được truyền lại muôn đời về nguồn gốc, lịch sử hình thành của chúng. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, độ cao khó chinh phục, những hiện tượng tự nhiên như mây vần gió cuộn, sấm sét xoay quanh và khởi nguồn của những dòng nước chảy từ đỉnh đã khiến những ngọn núi trở nên bí ẩn, thiêng liêng trong tâm khảm con người.
Theo nhà sử học, GS Lê Văn Lan, tại Việt Nam, núi luôn được đánh giá cao trong tâm thức dân tộc là thực thể tạo nên đất Việt và trong nghiên cứu thực tế, những bằng cớ khảo cổ học đầu tiên về thời nguyên thủy của lịch sử dân tộc cũng được chốt lại ở những ngọn núi. Trong thế giới tinh thần, tâm linh thì núi non đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có thể thấy từ xa xưa các học giả, trí giả, trí thức đã chọn ngọn núi – Ba Vì là thần điện của nước Việt, còn đệ nhất tứ bất tử cũng là vị thần núi – Sơn Tinh.
Đặt chân tới Nóc nhà Đông Dương - Fansipan, du khách thu vào tầm mắt non sông gấm vóc Tổ quốc.
Ông phân tích, cao điểm linh thiêng của Việt Nam là Ba Vì kết nối với cao điểm lớn nhất của thế giới là Himalaya, tạo thành một trục thần đạo, mà ở giữa có thể thấy đỉnh thiêng Fansipan – Nóc nhà Đông Dương là cao điểm nằm chính giữa. Đặc biệt, Fansipan cũng là một đỉnh thiêng nằm trong trục thần đạo trải dài từ Bắc vào Nam, kết nối với đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) hay Bà Đen (Tây Ninh). Ở tuổi 88, giáo sư đã từng thành công tới đỉnh thiêng Fansipan, mà ông tin rằng khí trời và long mạch tụ tại nơi đây giúp ông làm được điều đó.
“Fansipan là mạch liền nối đường huyệt đạo lên Himalaya mà Lâm Tì Ni của Nepal – đất Phật là điểm chốt ở đó. Ngày nay trên đỉnh Fansipan, văn hóa Phật giáo cũng chiếm lĩnh, chính sự cân bằng giữa Phật giáo và thế giới tâm linh bản địa đã tạo nên giá trị có một không hai của đỉnh Fansipan”, ông nói.
Đỉnh Fansipan được ví như nơi gặp gỡ đất trời, với nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú như tuyết rơi, biển mây, Phật quang…
Dáng chùa Việt nơi nóc nhà Đông Dương
Trong triết lý Phật giáo – một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, những ngọn núi đóng vai trò trung tâm như núi Meru được coi là trung tâm của vũ trụ vật chất, tinh thần. Phật tử cổ xưa tin rằng, núi cao là nơi hấp thụ được nhiều năng lượng, linh khí của trời đất và phù hợp với chủ trương “xuất thế” của Phật giáo: buông bỏ tất thảy thế tục, rời bỏ những cám dỗ để tu tập giác ngộ. Vì thế từ ngàn xưa những đỉnh núi cao luôn được lựa chọn là điểm xuất gia, tu hành hay xây dựng những sơn tự.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển, Phật giáo đã để lại cho nhân loại những công trình tâm linh kỳ vĩ, đặc biệt là những sơn tự cổ kính trên đỉnh thiêng. Trong đó phải kể đến Rongbuk tu viện cao nhất thế giới, nằm ở độ cao 5.000 m trên Everest. Hay ở Trung Quốc, thì “Tứ Đại Danh Sơn” bao gồm Phổ Đà sơn, Ngũ Đài sơn, Nga Mi sơn và Cửu Hoa sơn được coi là bốn ngọn núi thiêng bậc nhất của Phật giáo nước này.
Trở lại Việt Nam, nơi Phật giáo đã hình thành và phát triển 2.000 năm cũng sở hữu biết bao sơn tự linh thiêng như chùa Đồng ở Yên Tử, Quảng Ninh hay Chùa Bà ở Núi Bà, Tây Ninh. Như Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng phân tích: “Trong triết học Phật Giáo, những đỉnh núi cao được coi là nơi hấp thu tinh hoa của đất trời và nếu có Đức Phật ngự trị ở đó, sẽ đem lại sự an lành cho muôn dân trăm họ và khơi dậy những tiềm năng thiên cổ để phát triển đời sống hiện tại”.
Đại Tượng Phật A Di Đà từ bi giữa mây ngàn gió núi.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, nơi đỉnh Fansipan kỳ vĩ, hiện hữu một công trình tâm linh Phật giáo là niềm hân hoan của tăng ni, Phật tử và là niềm tự hào của người Việt. Ngày nay tọa lạc nơi đỉnh Fansipan, cao điểm linh thiêng của nước Việt là quần thể tâm linh Fansipan, trải dài từ độ cao 2.900 m lên tới đỉnh. Quần thể bao gồm 12 công trình kiến trúc mang dáng những ngôi chùa Việt cổ từ thế kỷ 15-16. Đặc biệt tất cả các công trình văn hóa nơi đỉnh Fansipan đều được kỳ công kiến tạo từ vật liệu tự nhiên như gỗ tứ thiết, đá xanh nguyên khối, đất nung phủ men… Với kích thước hạn chế, nương theo thế đất, tôn trọng thiên nhiên, các công trình nơi đỉnh thiêng Fansipan tự như đã tựa vào non cao từ cả trăm năm trước.
“Quần thể tâm linh Fansipan được thiết kế theo lối kiến trúc văn hóa Phật giáo truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là yếu tố nghệ thuật Phật giáo thời Trần. Qua đó có thể thấy rằng, quần thể tâm linh thể hiện mong muốn khơi dậy tiềm năng vốn có của đỉnh Fansipan hùng vỹ, để phục vụ phát triển đời sống bà con và du lịch”, thượng tọa chia sẻ.
Dáng chùa Việt nơi đỉnh thiêng Fansipan tiệp với màu xanh của đại ngàn, khi ẩn hiện giữa màn sương, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.
Mỗi mùa xuân hay những ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, hàng nghìn tăng ni và Phật tử từ mọi miền Tổ quốc hân hoan về với Fansipan, chiêm bái đảnh lễ trước quần thể tâm linh giữa mây ngàn gió núi. Thong dong trên đường La Hán chiêm bái 18 bức tượng La Hán bằng đồng dưới những bóng đỗ quyên cổ thụ nhiều trăm năm tuổi, hay cung kính trước Kim Sơn Bảo Thắng Tự ở độ cao hơn 3.000m, chắp tay cầu khấn bình an trước Đại tượng Phật A Di Đà thâm nghiêm giữa mây ngàn… mỗi người đều tìm thấy tâm tĩnh, lòng an trong những nếp chùa Việt ẩn hiện giữa sương mây, trầm mặc tựa mình vào đá núi. Fansipan bởi thế, không chỉ còn là điểm du sơn đơn thuần mà trở về đúng nghĩa cao điểm linh thiêng nước Việt, di sản cho ngàn đời sau./.