Phủ Lý, Hà Nam đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ, định hình bức tranh đô thị tương lai nhờ cuộc "cách mạng" hạ tầng y tế và giáo dục. Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ với chúng tôi về chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Bí rhư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy làm việc với Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai về kế hoạch xây dựng Trường Đại học Y dược Bạch Mai.
Đặt nhân tài làm trung tâm phát triển
Thưa Ông, Hà Nam đang có những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển mô hình đô thị đại học và thu hút nhân lực chất lượng cao. Xin Ông chia sẻ rõ hơn về định hướng này?
Ông Trương Quốc Huy: Năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực, của việc đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, thời gian qua tỉnh Hà Nam đã dành nhiều nguồn lực cho công tác giáo dục và đào tạo. Trong đó, Khu Đại học Nam Cao được quy hoạch bài bản với diện tích đất cho cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoảng 388ha, diện tích đất cho các công viên, hạ tầng khác, khu đô thị khoảng 181ha, diện tích đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 185ha. Hạ tầng nội khu đang được tập trung đầu tư hoàn thiện, kết hợp với hệ thống nhà ở đô thị và hơn 1.001 tiện ích của dự án Sun Urban City nằm cạnh khu đại học Nam Cao, sẽ đáp ứng mọi nhu cầu về nhà ở, dịch vụ, vui chơi, giải trí, mua sắm,... phục vụ đội ngũ giáo viên, giảng viên và người làm công tác giáo dục. Đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi nhằm thu hút học sinh, sinh viên đến học tập với mục tiêu đưa Hà Nam trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Vậy đâu là những yếu tố then chốt để thực hiện mục tiêu này, thưa ông?
Hà Nam xác định phát triển đô thị đại học và thu hút nhân lực chất lượng cao là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số mà còn hướng tới việc trở thành một trung tâm kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng. Để làm được điều đó, việc xây dựng một hệ sinh thái giáo dục và y tế hiện đại, chất lượng cao là yếu tố không thể thiếu. Đây chính là nền tảng để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên ưu tú, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển lâu dài.
Lễ khởi công công trình nhà ở xã hội thuộc khu đô thị Sun Urban City và dự án hạ tầng khu đại học Nam Cao tại Phủ Lý, Hà Nam
Yếu tố then chốt nằm ở sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng. Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế mà còn chú trọng tạo dựng một môi trường sống và làm việc lý tưởng. Điều này bao gồm các tiện ích đô thị hiện đại, nhà ở tiện nghi và chính sách an sinh xã hội hấp dẫn để các chuyên gia, nhân tài có thể yên tâm cống hiến tại Hà Nam.
Thu hút 25 trường, phát triển đô thị đại học tầm cỡ
Những dự án hạ tầng y tế và giáo dục nào đang được xem là trọng điểm tại Hà Nam hiện nay, thưa ông?
Ông Trương Quốc Huy: Hà Nam đang triển khai một loạt dự án mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Điển hình là cơ sở 2 của hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Việt Đức, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025. Theo dự kiến, với quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam sẽ tiếp nhận khám, chữa bệnh cho 20 triệu dân từ khu vực Hà Tĩnh trở ra, góp phần giảm tải cho cơ sở 1 tại Hà Nội. Lãnh đạo bệnh viện cũng cam kết sẽ xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam theo hướng bệnh viện thông minh, trở thành Trung tâm y tế hàng đầu khu vực; đề xuất xây dựng Trường Đại học y dược Bạch Mai tại Hà Nam, tiến tới mô hình là trường đại học sức khoẻ đa lĩnh vực đào tạo chuyên sâu với quy mô khoảng 28 ha tại Khu Đại học Nam Cao, thu hút từ 5.000 -7.000 sinh viên học tập.
Sự hiện diện của các cơ sở này không chỉ nâng cao năng lực y tế của tỉnh mà còn góp phần hoàn thiện bức tranh hạ tầng xã hội trong khu vực, tạo động lực thu hút các trường đại học danh tiếng. Chẳng hạn, tỉnh đã làm việc với Học viện Ngân hàng về việc đầu tư xây dựng phân hiệu 2 trường này tại Khu Đại học Nam Cao. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội đã khảo sát và làm việc với tỉnh để xây dựng cơ sở đào tạo tại Khu Đại học Nam Cao, TP. Phủ Lý. Chúng tôi cũng đã đồng ý xây dựng phân hiệu Trường Đại học Xây dựng tại đây và khuyến khích Trường Đại học FPT đầu tư cơ sở tại tỉnh. Một số đơn vị như Hiệp hội Giáo dục Hàn Quốc, trường Quốc tế Việt Hoa, Công ty cổ phần công nghệ Nhật Hải... đang trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất.
Các trường đại học danh tiếng cử đoàn công tác khảo sát về điều kiện hạ tầng để xây dựng cơ sở 2 tại Phủ Lý, Hà Nam
Chúng tôi quyết tâm thu hút khoảng 25 trường, cơ sở đào tạo, trong đó có ít nhất khoảng 10 trường đại học lớn, đưa khu đại học Nam Cao là 1 trong những khu đại học lớn nhất của Việt Nam. Hà Nam sẽ có đô thị đại học tầm cỡ và sớm trở nên sôi động, nhộn nhịp, thúc đẩy mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng. Với quyết tâm chính trị rất lớn như vậy, chúng tôi đã dành toàn bộ nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng xã hội, dịch vụ đi kèm.
Phóng viên: Cụ thể, Hà Nam đã đầu tư những gì để bắt đầu cho chiến lược phát triển một đô thị đại học tầm cỡ hàng đầu cả nước ?
Ông Trương Quốc Huy: Đô thị đại học là mô hình đã phát triển trên thế giới từ lâu. Về tính chất, dân cư ở đây trẻ và có trình độ cao. Đô thị đại học cũng là nơi lưu động, thu hút người từ mọi miền của đất nước và trên thế giới. Tại Việt Nam, đô thị đại học tạo sức ảnh hưởng to lớn đến tăng trưởng kinh tế, xã hội khu vực đó. Hà Nam đi sau nhưng đã chuẩn bị những hạ tầng mang tầm nhìn chiến lược, sẵn sàng cho sự phát triển vươn tầm trong tương lai. Chúng tôi cũng mạnh dạn mở cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư lớn sẵn sàng đồng hành để phát triển, điển hình như Sun Group, Cienco4,…
Khu đại học Nam Cao có quy mô sau điều chỉnh lên đến 9 km² và tổng mức đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, đây là bước đi nhằm đón đầu xu thế di dời các cơ sở giáo dục đại học từ nội đô Hà Nội ra khu vực ngoại ô, phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng khu vực này sẽ trở thành một “thung lũng tri thức” mới, với khả năng đào tạo từ 50.000 đến 80.000 học sinh, sinh viên.
Đại đô thị Sun Urban City và khu đại học Nam Cao hứa hẹn giúp Hà Nam phát triển đô thị đại học tầm cỡ, thu hút nhân lực chất lượng cao
Để hiện thực hóa điều đó, tỉnh đã đầu tư mạnh vào hạ tầng. Dự án xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Đại học Nam Cao đã được khởi công, bao gồm các tuyến đường trục chính dài 13,6 km, tổng mức đầu tư 993 tỷ đồng, thực hiện từ 2024 đến 2027. Các tuyến đường này kết nối TP. Phủ Lý với các khu công nghiệp và quốc lộ huyết mạch, tạo sự liên kết chặt chẽ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung như giao thông, cấp nước, điện cũng đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục hoạt động. Khu đô thị đổi mới và sáng tạo Sun Urban City với quy mô 420ha và hệ thống tiện ích đang được hoàn thiện nhanh chóng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu về nhà ở, dịch vụ, vui chơi, giải trí, mua sắm,... phục vụ đội ngũ sinh viên, giáo viên, giảng viên và người làm công tác giáo dục và lực lượng chuyên gia, lao động trình độ cao trong khu vực.
Chúng tôi rộng cửa chào đón các trường Đại học về đây mở thêm cơ sở mới, với những cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ tối đa về quy trình, thủ tục đầu tư.
Giữ chân nhân tài bằng chính sách nhà ở và an sinh
Phóng viên: Để giữ chân nhân lực chất lượng cao như y bác sĩ, giảng viên, sinh viên, Hà Nam có những chính sách gì về nhà ở và an sinh xã hội?
Ông Trương Quốc Huy: Chúng tôi nhận thức rõ rằng, ngoài môi trường làm việc, nhà ở và an sinh xã hội là yếu tố quyết định để thu hút và giữ chân nhân tài. Tại lễ khởi công dự án nhà ở xã hội thuộc đại đô thị Sun Urban City và hạ tầng Khu Đại học Nam Cao, tỉnh đã cam kết giải quyết bài toán này. Chúng tôi đã quy hoạch các vị trí thuận lợi để bố trí nhà ở cho giảng viên, cán bộ của các trường đại học, đảm bảo họ có chỗ ở tiện nghi, yên tâm công tác.
Hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 sẽ đi vào hoạt động tại Hà Nam trong năm 2025
Tỉnh cũng hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cấp đất sạch và trích ngân sách xây dựng ký túc xá, như trường hợp Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, sắp tới phát triển thành Đại học Y dược Bạch Mai. Dự án Sun Urban City do Sun Group thực hiện sẽ cung cấp nguồn cung nhà ở chất lượng cao, tích hợp các tiện ích như công viên, trường học, bệnh viện, khu thương mại. Ngoài ra, Hà Nam phối hợp Sun Group phát triển các công trình du lịch, đầu tư các chương trình văn hóa nghệ thuật giải trí hấp dẫn, tạo nên một đô thị hiện đại, lấy con người làm trung tâm.
Phóng viên: Hạ tầng giao thông đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển đô thị và thu hút đầu tư của Hà Nam?
Ông Trương Quốc Huy: Hạ tầng giao thông là huyết mạch kết nối và thúc đẩy kinh tế. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đã đầu tư khoảng 13.600 tỷ đồng vào giao thông, chiếm 34% tổng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh.
Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, các dự án giao thông trọng tâm đang được Hà Nam đầu tư theo định hướng kết nối liên vùng. Để kết nối với Hà Nội, quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã là nền tảng vững chắc, các dự án mới như đường vành đai 3.5, 4, 5 và nút giao Phú Thứ cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, đặt Khu Đại học Nam Cao, cũng như tỉnh Hà Nam vào vị trí trung tâm kết nối của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Hệ thống giao thông, y tế và giáo dục được Hà Nam dồn lực đầu tư, hoàn thiện
Hiện tại, nút giao 3 tầng Phú Thứ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình và vành đai 5 Vùng Thủ đô vẫn thi công hối hả với quyết tâm hoàn thành vào tháng 8. Ngoài ra còn có các dự án đường sắt đã và đang được quy hoạch trong tọa độ phát triển Hà Nam. Trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ga Phủ Lý là điểm dừng quan trọng, theo kế hoạch dự án dự kiến khởi công vào năm 2027. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hà Nam chỉ còn 8 phút, mở ra cơ hội lớn cho logistics, du lịch và giao thương. Những dự án này không chỉ nâng cao năng lực giao thông mà còn biến Hà Nam thành đầu mối giao thương và sản xuất khu vực miền Bắc.