Du lịch

Cáp treo Fansipan và những tháng năm không thể nào quên

14/07/2021
 Quá trình xây dựng cáp treo Fansipan, với những người trực tiếp tham gia, là một hành trình nếm trải vị đắng của gian khổ để đến với vị ngọt của thành quả.Những ngày mở tuyếnTháng 5/2020, anh Trịnh Văn Hà - kỹ sư trắc đạc quê Nam Định, một trong những thành viên “nòng cốt” của dự án cáp treo Fansipan - quay trở lại Sa Pa sau 5 năm.Cáp...
SUN GROUP

 Quá trình xây dựng cáp treo Fansipan, với những người trực tiếp tham gia, là một hành trình nếm trải vị đắng của gian khổ để đến với vị ngọt của thành quả.

Những ngày mở tuyến

Tháng 5/2020, anh Trịnh Văn Hà - kỹ sư trắc đạc quê Nam Định, một trong những thành viên “nòng cốt” của dự án cáp treo Fansipan - quay trở lại Sa Pa sau 5 năm.

Cáp treo Fansipan – công trình hạ tầng lớn nhất tại Sa Pa
Cáp treo Fansipan - công trình hạ tầng lớn nhất tại Sa Pa

Ngồi trong ca bin cáp treo lướt trên đại ngàn hùng vỹ, những ngày xưa cũ, khi anh cùng các cộng sự leo bộ lên các đỉnh núi của rừng Hoàng Liên để khảo sát định tuyến cho cáp treo Fansipan cứ như thước phim lần lượt hiện về. “Những ngày đầu khảo sát thực sự kinh hoàng” - anh Hà hồi tưởng. Không có hệ thống GPS hay điện thoại di động, hệ thống bộ đàm không sử dụng được do khoảng cách quá xa, cả đội leo toàn bộ đỉnh núi trong phạm vi 5km và đánh dấu “thủ công” bằng lá cờ trắng. Đường đã không còn được tính bằng cây số nữa mà bằng cách đếm số con dốc và trảng rừng đã leo qua. “Phòng ở” được dựng sơ sài bằng tre nứa uốn cong, người ở trong “chui như con chuột” và lúc nào cũng phập phồng chờ sập. Từng nhân sự động viên nhau vượt qua nỗi sợ hãi, bằng cách hình dung về hình hài tuyến cáp sau này.

“Phòng ở” giữa rừng Hoàng Liên trong 6 tháng của nhóm kỹ sư định tuyến cáp treo Fansipan
“Phòng ở” giữa rừng Hoàng Liên trong 6 tháng của nhóm kỹ sư định tuyến cáp treo Fansipan

Sau 6 tháng ăn rừng, ngủ núi, tắm sương…, phương án cuối cùng của tuyến cáp treo đã được “định đoạt”: “Vị trí như hiện tại của tuyến cáp treo đảm bảo du khách sẽ được chiêm ngưỡng tất cả những đặc trưng của Sa Pa như ruộng bậc thang, các bản làng, sông suối, rừng đỗ quyên hay vân sam. Đồng thời vị trí này cũng thuận lợi hơn cho việc xây dựng hạ tầng” - kỹ sư Trịnh Văn Hà lý giải.

Nhưng tuyến đường cáp đi, vị trí đặt trụ và bản quy hoạch 1/500 của dự án mới là “màn khởi động” ban đầu. Thử thách thật sự bắt đầu khi hàng ngàn công nhân, kỹ sư Sun Group và các chuyên gia nước ngoài phải giải bài toán làm sao để vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu lên Fansipan mà không xâm phạm vào hệ sinh thái rừng Hoàng Liên?

Hành trình dựng cáp nhưng giữ rừng

Tháng 11/2013, quần thể cáp treo Fansipan chính thức khởi công. Theo phương án ban đầu của các chuyên gia Doppelmayr Garaventa, công nhân Việt có thể vận chuyển vật tư bằng việc chặt cây, mở đường. Nhưng tập đoàn Sun Group lập tức bác bỏ phương án trên, bởi tiêu chí tiên quyết của dự án là “không xâm phạm môi trường”. Các giải pháp tân tiến khác như khinh khí cầu hay trực thăng cũng đã được sử dụng, nhưng tất cả đều thất bại trước khí hậu và địa hình Fansipan.

Cheo leo dựng tuyến cáp
Cheo leo dựng tuyến cáp

Vậy là phương án cáp công vụ LCS được đưa ra. Tuy nhiên, để thực hiện tuyến cáp này và tiếp đó là đường dây 35kV cấp điện cho toàn bộ quá trình thi công cũng như vận hành cáp treo sau này, duy nhất “sức người” được áp dụng thành công. Hàng nghìn đôi vai trần cõng, địu hàng chục ngàn tấn sắt thép, máy móc, thiết bị… cần mẫn đi bộ như những “đàn kiến” trong địa hình núi non hiểm trở, toàn đèo dốc, vực sâu... trong suốt 1 năm trời.

Nguyễn Khắc Tưởng, kỹ sư tham gia tuyến cáp LCS hồi tưởng lại: “Ngày nào chúng tôi cũng phải đi theo đường thẳng của sợi cáp. Hướng lên, mệt mỏi vẫn cố gắng được. Chiều về, chân chùng xuống, tôi hướng theo ánh điện ‘bò’ về lán”.

“Ác mộng” với nhiều anh em trong giai đoạn này là sự khắc nghiệt của băng tuyết. Tháng 12 âm lịch năm 2014, tuyết rơi trắng xóa một vùng. Tuyết phủ trên cây, mỗi khi đi xuống lại tiềm ẩn nguy cơ trượt ngã, hoặc cành khô nặng tuyết rơi vào đầu. Đêm về, Tưởng chỉ dám nằm mà không dám ngủ, thấy bạt hơi võng phải lấy que chọc cho tuyết rơi bớt.

Tuyết Fansipan - “ác mộng” của những người “mang hồn cáp”
Tuyết Fansipan - “ác mộng” của những người “mang hồn cáp”

Trần Đình Luật, kỹ sư điện quê Lào Cai thì nhớ lại: “Để xây đường điện 35kV năm ấy, một người mỗi ngày chỉ vận chuyển được khoảng 20-30kg vật liệu, nên có thời điểm, 400-500 đồng bào người dân tộc H’mông (Sa Pa) và Thái (Lai Châu) được huy động để đẩy nhanh tiến độ thi công”. Vận chuyển đã khó khăn, việc thi công lại càng gian nan gấp bội phần. Một móng cột rộng trung bình 5-6m2, sâu 4m “như một căn phòng nhỏ” mà toàn bộ quá trình đào hoàn toàn bằng cuốc, xẻng.

Vậy mà đến đầu năm 2015, tuyến cáp LCS đã lần đầu thử tải thành công và đến tháng 11 năm ấy, 33 cột điện đã dựng nên dọc đường mòn, giúp củng cố hơn niềm tin vào sự thành công của công trình cáp treo trong một ngày không xa.

Niềm tự hào Việt Nam

Sau này, các chuyên gia Doppelmayr Garaventa tuyên bố, họ sẽ “không làm một công trình thứ hai như vậy do quá vất vả về địa hình, thời tiết, khí hậu và con người”.

Xây dựng cáp treo Fansipan phần lớn dựa vào sức người
Xây dựng cáp treo Fansipan phần lớn dựa vào sức người

Ban đầu, lúc kéo cáp công vụ gần xong, nhà ga dịch vụ cơ bản mới xong phần móng. Chứng kiến hình ảnh công nhân Việt đào thủ công, các chuyên gia ngoại nhận định, phải mất 5 năm, công trình này mới nên hình hài.

Nhưng với hàng nghìn con người đã “đủ điên” để bám trụ trên đỉnh Fansipan thi công dự án trong hàng trăm ngày qua, họ không dễ dàng đầu hàng. “Tiến độ không cho phép chúng tôi việc hôm nay để ngày mai. Nếu cáp công vụ hỏng thì 12h đêm cũng phải làm", Đỗ Minh Giang, quê Yên Bái, phụ trách bảo trì cáp công vụ cho biết một ngày hỏng cáp công vụ sẽ chậm tiến độ một tháng làm cáp treo.

Nguyễn Văn Mùi là Phó ban phụ trách phần thô, hạ tầng công nghệ dự án cho biết : “Cáp treo Fansipan là một trong những dự án mà ban lãnh đạo tập đoàn không ép tiến độ vì quá vất vả, song chính chúng tôi tự cũng đặt mục tiêu cho bản thân".

Nhờ sự tự gây áp lực ấy, các kỹ sư công nhân Việt cuối cùng cũng đưa được công trình về đích đúng yêu cầu về thời gian của các chuyên gia quốc tế. “Khi đó, họ mới tin người Việt nói được, làm được”, phiên dịch Nguyễn Xuân Hậu tâm sự.

Những công trình kỳ vỹ trên đỉnh Fansipan
Những công trình kỳ vỹ trên đỉnh Fansipan

“Điều tuyệt vời hơn là sau khi cáp treo Fansipan thành công, các chuyên gia quốc tế thể hiện sự tôn trọng với đội ngũ Việt Nam trong những dự án sau này, thay vì tâm lý áp đặt như trước đó", Hậu nói.

Không chỉ là sự tôn trọng dành cho kỹ thuật xây dựng của Việt Nam, hiệu ứng dây chuyền từ cáp treo đã nâng thương hiệu Sa Pa lên tầm cao mới. Liên tiếp những năm 2019, 2020, Sun World Fansipan Legend được vinh danh là tại “Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới”, “Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hàng đầu thế giới” tại World Travel Awards. Từ một “nàng công chúa ngủ quên”, Sa Pa giờ đây đã là niềm tự hào của du lịch Việt trên trường quốc tế.

Trải qua chuyến hành trình 800 ngày đầy gian nan và thử thách, tháng 2/2016, tuyến cáp treo chính thức hoàn thành, ghi tên vào bảng vàng Guinness World Record với 2 kỷ lục: “Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới” và “Cáp treo ba dây dài nhất thế giới”.

    Panoee