Phú Quốc là một hòn đảo đẹp của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang. Với những bãi biển trong xanh, các khu nghỉ dưỡng sang trọng, nhiều khu giải trí, nơi đây đang dần trở thành địa điểm du lịch lí tưởng cho các cặp đôi hưởng tuần trăng mật.
Gần đây, lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Phú Quốc đang tăng lên. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày, Phú Quốc có trên 2.000 du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó du khách Hàn Quốc chiếm hơn 50%, theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang.
Tờ Chosun của Hàn Quốc đưa tin, nhiều du khách sau khi trở về từ Phú Quốc chia sẻ “đi đâu cũng gặp người Hàn”, nhất là ở các khu chợ đêm và khu nghỉ dưỡng. Nhiều người ưu ái gọi Phú Quốc là “đảo Jeju của Việt Nam”.
Các hãng hàng không trong và ngoài nước như Korean Air, Jin Air, Jeju Air, Vietnam Airlines, Vietjet bắt đầu khai thác đường bay thẳng từ Hàn tới Phú Quốc. Các thành phố như Seoul, Busan, Incheon đều đã có đường bay thẳng tới hòn đảo xinh đẹp của Việt Nam với tần suất từ 7-14 chuyến/tuần.
Yếu tố này tạo điều kiện để du khách Hàn Quốc đến Phú Quốc dễ dàng hơn. Nhờ những bờ biển xanh như ngọc, bãi cát trắng mịn, nhiều hoạt động giải trí và thư giãn, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, Phú Quốc cung cấp nhiều trải nghiệm hấp dẫn.
Nhưng ngược lại, Phú Quốc lại vắng khách nội địa. Số chuyến bay nội địa tới Phú Quốc còn nhiều hạn chế. Hiện trong nước chỉ còn 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng có chuyến bay thẳng đến Phú Quốc.
Ngoài ra, vé máy bay cũng là một yếu tố gây trở ngại lớn với khách nội địa. Mức giá cao, giờ bay ít khiến người tiêu dùng có tâm lí “thà đi nước ngoài còn hơn đi Phú Quốc”.
Phú Quốc sở hữu nhiều hòn đảo, bãi biển trong xanh. Ảnh: Thế Duy
Trong một bài viết với tiêu đề: “Người Hàn Quốc đổ xô đến hòn đảo mà người Việt Nam đã ngừng ghé thăm... Chuyện gì đang xảy ra vậy?”, cây bút của Chosun so sánh những gì xảy ra ở Phú Quốc với câu chuyện tương tự từng xảy ra với đảo Jeju - một trong những điểm đến đắt khách nhất xứ sở kim chi đón khách quốc tế nườm nượp, nhưng mất điểm trong mắt du khách nội địa.
Câu nói ví von của một số du khách cho hình ảnh này là “Con ghẻ quốc dân, con cưng quốc tế” - cụm từ vốn được dùng nhiều trong ngành giải trí. Đây là cách nói vui của giới trẻ Hàn Quốc về những nghệ sĩ không thực sự nổi bật và được yêu thích trong nước. Nhưng xét trên trường quốc tế, họ lại trở thành hiện tượng, giành thiện cảm của công chúng ở nước ngoài.
Bãi Kem lọt Top những bãi biển đẹp nhất hành tinh và quy tụ nhiều khu nghỉ dưỡng danh tiếng
Trước đây, người Hàn Quốc từng có trào lưu hưởng tuần trăng mật ở đảo Jeju, nhưng nay không còn. Trong thời gian COVID-19 bùng nổ, việc du lịch nước ngoài bị hạn chế, số lượng khách du lịch nội địa đến thăm đảo Jeju đã tăng lên.
Nhưng tình trạng hét giá khiến Jeju “mất điểm” với khách nội địa. Ví dụ, các nhà hàng thịt yêu cầu khách gọi khẩu phần ít nhất cho ba người ngay cả khi chỉ có 2 khách. Một số nhà hàng, cơ sở lưu trú tính giá cao, gian lận.
Gần đây, mạng xã hội Hàn Quốc tranh cãi về việc đoàn khách du lịch 4 người phải trả hóa đơn tiền điện lên tới 360.000 won (khoảng 6,8 triệu đồng) sau khi lưu trú tại nhà nghỉ 3 ngày 2 đêm. Họ khẳng định không dùng điều hòa và luôn tắt đèn khi ra ngoài nhưng vẫn bị chủ nhà hét giá.
Đảo Jeju phần nào đó cũng gặp một số vấn đề tương tự như với Phú Quốc, khi khách nội địa giảm do nhiều nguyên nhân. Việc ngăn chặn nạn ép giá, kiểm tra, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là điều mà Phú Quốc quan tâm để biến nơi đây trở thành địa điểm du lịch được yêu thích lâu dài, xứng với tên gọi “Maldives của Việt Nam”, tờ báo Hàn Quốc nhận định.
Theo Báo Lao động